PowerSteam – Sau phiên giao dịch đầu tiên, giá trị vốn hóa thị trường của VinFast đã cán mốc 85 tỷ USD, vượt cả 2 hãng xe lớn của Mỹ là Ford (48 tỷ USD) và General Motors (46 tỷ USD).
Ngày 15/8/2023, VinFast chính thức ghi danh trên sàn giao dịch Nasdaq Global Select Market. Bước chuyển mình này đã đánh dấu một bước tiến quan trọng, biến VinFast trở thành một tập đoàn toàn cầu có giá trị vốn hóa vượt qua ngưỡng 23 tỷ USD. Dưới tên pháp nhân VinFast Auto Ltd. (VinFast) và mã giao dịch “VFS”.
Sự kiện này diễn ra ngay sau khi VinFast hoàn tất một giao dịch hợp nhất kinh doanh đầy thành công với Black Spade Acquisition Co (Black Spade) vào ngày 14/8/2023. Bước ngoặt này đã giúp VinFast trở thành thương hiệu Việt Nam có giá trị vốn hóa lớn nhất được niêm yết trên sàn giao dịch Mỹ cho đến thời điểm hiện tại.
Phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu VFS đã chính thức khởi tranh lúc 21 giờ theo giờ Việt Nam vào ngày 15/8. Với mức giá khởi điểm là 22 USD/cổ phiếu, VFS đã đạt gấp đôi mức 10 USD/cổ phiếu mà VinFast đã đạt được trong thỏa thuận với đối tác Black Spade.
Kết thúc phiên giao dịch mà đầu tiên, giá cổ phiếu VFS đã vượt lên đáng kể, đóng cửa tại mức 37,06 USD/cổ phiếu, tăng lên tới 68,45%. Sự tăng trưởng này đã đóng góp vào việc nâng giá trị vốn hóa của VinFast lên con số 85 tỷ USD. Vượt xa cả hai ông lớn trong ngành ô tô của Mỹ là Ford (48 tỷ USD) và General Motors (46 tỷ USD).
Dữ liệu từ Refinitiv cho biết, hơn 185 triệu USD cổ phiếu của VinFast đã được giao dịch trên thị trường. Người sở hữu lớn nhất của VinFast là ông Phạm Nhật Vượng, tỷ phú giàu nhất Việt Nam, với 99% cổ phần trong tổng số 2,3 tỷ cổ phiếu thông thường của VinFast sau thương vụ hợp nhất.
VinFast đã vận chuyển khoảng 3.000 xe sang Bắc Mỹ kể từ cuối năm trước. Mặc dù vậy, doanh số ban đầu vẫn khá hạn chế. Theo công ty S&P Global Mobility, chỉ có 137 chiếc xe điện VinFast đã được đăng ký tại Mỹ đến tháng 6/2023.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Giám đốc điều hành của VinFast, tiết lộ rằng công ty đang điều chỉnh mô hình phân phối của mình, chuyển sang cách tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng giống như Tesla. Đồng thời, VinFast cũng kế hoạch hợp tác với các đại lý ở thị trường nước ngoài. Bà Thủy đã nói với Reuters trong cuộc phỏng vấn rằng, “Chúng tôi đang chuyển sang mô hình kết hợp, với việc có cả showroom của riêng mình và mở cửa hàng của đại lý.”
VinFast cũng đã bắt đầu xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô điện trị giá 4 tỷ USD tại bang Bắc Carolina, Mỹ. Hành động này cho thấy sự thâm nhập của công ty vào thị trường Mỹ và châu Âu trong thời kỳ áp lực về giá cả đối với các xe điện, với Tesla và một số hãng xe Trung Quốc đang chiếm ưu thế.
Dòng xe VF8 của VinFast có giá khởi điểm 46.000 USD tại bang California, thấp hơn so với mức giá 47.740 USD của Tesla Model Y trước khi áp dụng khoản ưu đãi thuế liên bang trị giá 7.500 USD. Bà Thủy cũng nêu rõ VinFast đang tập trung vào việc “cắt giảm chi phí trong tương lai”.
Bà Thủy cũng thông tin rằng VinFast dự kiến sẽ đưa mẫu xe điện cỡ lớn hơn, mang tên VF9, vào thị trường Mỹ vào cuối năm nay và hiện đang tiến hành thủ tục lấy chứng nhận an toàn từ cơ quan quản lý an toàn châu Âu.
Xem thêm:
Cổ phiếu VinFast chính thức được giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq
Xe điện mini Changan Lumin Xiangqi ra mắt, giá chỉ từ 176 triệu đồng